Chi nhánh khi đăng ký hạch toán phụ thuộc thì có đặc điểm nào? Lợi ích của hạch toán phụ thuộc với doanh nghiệp chủ quản và chi nhánh là gì? Sự khác nhau giữa hạch toán phụ thuộc và độc lập?
1. Hạch toán phụ thuộc là gì?
Hạch toán phụ thuộc hay còn gọi là báo sổ, là hình thức kế toán thuế. Trong đó, chi nhánh không có bộ phận kế toán riêng mà phụ thuộc vào công ty mẹ về quản lý tài chính. Chi nhánh chỉ tập hợp chứng từ và số liệu rồi gửi về công ty mẹ để hạch toán và lập báo cáo tài chính.
Hạch toán phụ thuộc áp dụng cho các đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp như chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc địa điểm kinh doanh,….

2. Đặc điểm của hạch toán phụ thuộc
Khi chi nhánh hạch toán phụ thuộc thì sẽ có các đặc điểm sau:
- Bộ máy kế toán: Chi nhánh không có bộ máy kế toán riêng mà thuộc bộ máy kế toán của công ty chủ quản.
- Thuế TNDN: Chi nhánh chuyển tất cả số liệu, chứng từ, doanh thu, chi phí về công ty mẹ để công ty kết hợp số liệu của tất cả các chi nhánh và hoạt động của công ty để kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế TNDN chung.
- Báo cáo tài chính: Chi nhánh không phải lập báo cáo tài chính riêng. Các chi nhánh khác tỉnh, số liệu được chuyển về công ty chủ quản để làm báo cáo chính hợp nhất.
- Mã số thuế và tài khoản ngân hàng: Chi nhánh hạch toán phụ thuộc cùng tỉnh thường sử dụng MST và tài khoản ngân hàng của công ty chủ quản. Chi nhánh khác tỉnh có MST và tài khoản ngân hàng riêng.
- Con dấu: Chi nhánh hạch toán phụ thuộc khác tỉnh phải có con dấu riêng. Chi nhánh cùng tỉnh có thể có hoặc không có con dấu.
- Sử dụng hóa đơn: Chi nhánh hạch toán phụ thuộc có thể sử dụng hóa đơn riêng. Đối với chi nhánh cùng tỉnh, nếu không kinh doanh lĩnh vực nhà hàng, ăn uống, thì không phải kê khai thuế GTGT riêng.
- Chữ ký số: Chi nhánh hạch toán phụ thuộc khác tỉnh phải mua chữ ký số riêng để nộp thuế GTGT, thuế TNCN và lệ phí môn bài tại chi nhánh. Chi nhánh cùng tỉnh có thể có hoặc không có chữ ký số riêng.
- Quản lý: Mọi hoạt động của chi nhánh theo chủ trương, hoặc theo ủy quyền của công ty. Công ty chủ quản chịu trách nhiệm và chi nhánh chuyển số liệu về công ty để kê khai và báo cáo.
3. Lợi ích khi hạch toán phụ thuộc
Lợi ích khi chi nhánh hạch toán phụ thuộc:
- Giảm thiểu công việc kế toán: Chỉ cần tập hợp chứng từ, số liệu cuối tháng gửi về công ty chủ quản, giảm bớt các nghĩa vụ kế toán như lập báo cáo tài chính riêng.
- Dễ quản lý, điều hành: Do không phải tổ chức thêm bộ máy kế toán riêng.
- Tiết kiệm chi phí: Không cần tuyển dụng thêm bộ phận kế toán riêng, từ đó tiết kiệm chi phí nhân sự.
4. Nhược điểm khi hạch toán phụ thuộc
Chi nhánh khi hạch toán phụ thuộc có những điểm hạn chế hơn so với hạch toán độc lập như:
- Phụ thuộc hoàn toàn vào công ty chủ quản.
- Khó quản lý chi phí, tình hình lỗ lãi và các chứng từ liên quan một cách độc lập cho chi nhánh.
- Đặc biệt với chi nhánh khác tỉnh, việc luân chuyển chứng từ có thể gây khó khăn và dẫn đến chậm trễ trong kê khai thuế.
5. Phân biệt chi nhánh hạch toán phụ thuộc cùng tỉnh và khác tỉnh
Chi nhánh hạch toán phụ thuộc có thể cùng tỉnh hoặc khác tỉnh với công ty chủ quản. Sự khác nhau này gây ra sự khác biệt trong nghĩa vụ thuế và kế toán:

a, Chi nhánh hạch toán phụ thuộc cùng tỉnh/thành phố với trụ sở chính:
- Thuế môn bài: Kê khai và nộp lệ phí môn bài tại cơ quan thuế của trụ sở chính.
- Thuế GTGT: Thường kê khai và nộp trực tiếp tại cơ quan thuế của trụ sở chính. Tuy nhiên, nếu chi nhánh có con dấu, tài khoản ngân hàng riêng, trực tiếp bán hàng và có nhu cầu kê khai, nộp thuế riêng (đặc biệt trong lĩnh vực nhà hàng, ăn uống), thì có thể đăng ký kê khai và nộp thuế tại cơ quan quản lý của chi nhánh.
- Thuế TNDN và TNCN: Không phải kê khai tại nơi đặt trụ sở chi nhánh; khai tập trung tại doanh nghiệp chủ quản.
- Báo cáo tài chính: Công ty chủ quản chịu trách nhiệm làm BCTC cuối năm.
- Con dấu: Có thể có hoặc không.
- Tài khoản ngân hàng: Không bắt buộc phải có tài khoản ngân hàng riêng, nhưng nên mở để thuận tiện cho kinh doanh.
- Chữ ký số: Có thể có hoặc không.
b, Chi nhánh hạch toán phụ thuộc khác tỉnh/thành phố với trụ sở chính:
- Thuế môn bài: Kê khai và nộp lệ phí môn bài tại cơ quan thuế của chi nhánh.
- Thuế GTGT: Kê khai và nộp tại cơ quan thuế của chi nhánh.
- Thuế TNDN và TNCN: Không phải kê khai tại nơi đặt trụ sở chi nhánh; khai tập trung tại doanh nghiệp chủ quản.
- Báo cáo tài chính: Chi nhánh làm báo cáo thuế hàng quý nhưng quyết toán thuế TNDN và BCTC cuối năm sẽ do công ty chủ quản quyết toán. Số liệu doanh thu, chi phí, chứng từ được chuyển về doanh nghiệp chủ quản để kê khai thuế và báo cáo tài chính.
- Con dấu: Phải có con dấu riêng.
- Tài khoản ngân hàng: Phải có tài khoản ngân hàng riêng.
- Chữ ký số: Phải có chữ ký số riêng.
6. Điểm giống nhau giữa hạch toán độc lập và hạch toán phụ thuộc
Cả hai hình thức hạch toán đều có những điểm chung sau:
- Vốn kinh doanh: Vốn kinh doanh là của công ty chủ quản.
- Bộ máy nhân sự: Do công ty mẹ tổ chức bộ máy nhân sự.
- Lợi nhuận: Lợi nhuận sau thuế của chi nhánh thuộc về công ty.
- Hoạt động: Hoạt động theo chủ trương, hoặc theo ủy quyền của công ty.
- Giải thể: Nếu công ty chủ quản giải thể thì chi nhánh cũng phải chấm dứt hoạt động.
- Kê khai thuế GTGT: Đều phải thực hiện hoạt động kê khai thuế GTGT độc lập với công ty mẹ theo quy định của pháp luật.
- Thuế môn bài: Đóng cùng mức thuế môn bài là 1.000.000 VNĐ/năm.

7. Chế độ của người lao động trong chi nhánh hạch toán phụ thuộc
Người lao động tại các chi nhánh hạch toán phụ thuộc được hưởng đầy đủ các chế độ như người lao động tại trụ sở chính hoặc chi nhánh hạch toán độc lập. Các chế độ này bao gồm:
- Các loại bảo hiểm bắt buộc theo quy định (Bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp).
- Tiền lương, tiền thưởng lễ tết, công tác phí, học phép và các quyền lợi khác không có sự phân biệt.
8. Khi nào nên chọn hạch toán phụ thuộc?
Doanh nghiệp có thể lựa chọn thành lập chi nhánh hạch toán phụ thuộc hoặc độc lập. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể thay đổi hình thức hạch toán sau khi đăng ký, bằng cách nộp hồ sơ tại phòng đăng ký kinh doanh và thông báo cho cơ quan thuế quản lý.
Doanh nghiệp nên lựa chọn hình thức hạch toán phụ thuộc khi:
- Chi nhánh có ít hoạt động, giao dịch chứng từ không nhiều.
- Chi nhánh thành lập cùng tỉnh/thành phố với trụ sở chính.
- Doanh nghiệp muốn tinh giản các đầu việc liên quan đến thuế và kế toán tại chi nhánh, cũng như tiết kiệm chi phí nhân sự.
Mong rằng bài viết chi tiết này đã giúp bạn hiểu rõ sự khác biệt giữa hạch toán phụ thuộc và hạch toán độc lập. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!